Sự cố phát sóng Dennō Senshi Porigon

Một trong những cảnh phim được tin là nguyên nhân gây ra cơn động kinh, trong đó luồng ánh chớp xanh và đỏ sau đòn đánh của Pikachu được xử lý bởi một hiệu ứng phóng đại ảnh hưởng.

"Dennō Senshi Porigon" được chiếu ở Nhật Bản vào thứ Ba, ngày 16 tháng 12 năm 1997 lúc 18:30 (giờ JST).[2] Tập phim phát sóng trên hơn 37 kênh truyền hình địa phương, là chương trình được theo dõi nhiều nhất trong khung giờ đó,[3] với khoảng 4,6 triệu hộ gia đình đang ngồi trước màn ảnh.[4][5] Kết quả khảo sát của Video Research cho thấy tỉ suất khán giả xem tập phim tính trong vùng Kantō (qua kênh TV Tokyo) là 16,5%, và ở vùng Kinki (qua kênh TV Osaka) là 10,4%.[6] Ước tính lượng khán giả ở độ tuổi từ 4 đến 12 theo dõi tập phim ngày hôm đó là 3,45 triệu người.[7]

Vào phút thứ 20 của tập phim, Pikachu làm ngừng tên lửa vắc-xin bằng đòn 100.000 Vôn của nó, gây ra một vụ nổ lớn với nhiều ánh chớp xanh và đỏ.[8] Mặc dù thứ ánh sáng này cũng từng xuất hiện trong một phần tương tự của tập phim, nhưng hai kỹ xảo hoạt họa được sử dụng ngay thời điểm đó có tên là "paka paka" (パカパカ, "paka paka"?)[lower-alpha 1] và "flash"[lower-alpha 2] khiến cho cảnh phim bị phóng đại đến mức dữ dội,[2] với những luồng chớp nhấp nháy cực sáng, có tần suất 12 Hz diễn ra trong khoảng bốn giây ở kích thước gần trọn màn hình, và sau đó là hai giây toàn màn hình.[9] "Paka paka" đã từng được sử dụng nhiều trong các tập phim Pokémon trước đó, và thậm chí là trong một vài bộ anime truyền hình nổi tiếng khác như Voltron, Thủy thủ Mặt TrăngSpeed Racer.[10]

Ngay lúc này, người xem đài đã bắt đầu cảm thấy mờ mắt, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn.[8][11] Một số thậm chí co giật, mù đột ngột, nôn ra máu và mất hẳn ý thức.[8][12] Báo cáo của Cục Phòng cháy chữa cháy Nhật Bản cho biết đã có tổng cộng 685 khán giả gồm 310 nam và 375 nữ, hầu hết là trẻ em, được đưa đến bệnh viện bằng xe cứu thương; cá biệt có một người đàn ông 58 tuổi.[8][13][14] Dù nhiều nạn nhân đã hồi phục trên đường đến bệnh viện, vẫn có hơn 150 người phải vào nhập viện.[8][13] Hai trường hợp phải tiếp tục nằm điều trị trong bệnh viện suốt hai tuần.[13] Một số người khác đã lên cơn co giật khi xem một phần của cảnh phim được phát lại trong chương trình tin tức tường thuật vụ việc nói trên vào lúc 21:00 cùng ngày.[11] Chỉ một phần nhỏ trong số 685 nạn nhân được chẩn đoán là mắc bệnh quang động kinh từ trước.[15]

Một nghiên cứu sau đó cho thấy 5-10% khán giả có những triệu chứng nhẹ và không cần đến bệnh viện điều trị.[9] 12.000 khán giả khác không đến bệnh viện bằng xe cấp cứu đã báo lại rằng mình có những biểu hiện bệnh nhẹ; tuy nhiên, những triệu chứng ấy dường như khớp với phân ly tập thể hơn là động kinh cơn lớn.[8][10] Bên cạnh đó, một số học sinh giả vờ bệnh nặng để nhập viện vì không muốn đến trường vào hôm sau.[16][17] Một nghiên cứu trên 103 bệnh nhân trong ba năm sau sự kiện cho thấy phần lớn họ không còn bị co giật nữa.[18] Các nhà khoa học tin rằng chính những ánh chớp sáng đã gây ra cơn quang động kinh, trong đó những kích thích thị giác tương tự có thể làm biến đổi ý thức.[19][20] Tương tự, Tiến sĩ Fukuyama Yukio, một chuyên gia về bệnh động kinh ở tuổi vị thành niên, cho biết các tia sáng và màu sắc từ màn hình TV có thể kích thích nên một hội chứng gọi là "động kinh truyền hình".[21] Hầu hết nạn nhân trước đó đều không gặp vấn đề gì khi quan sát các cảnh chớp nháy, và việc xem tập phim qua TV màn hình lớn trong một không gian phòng nhỏ hẹp đã vô tình làm trầm trọng thêm chứng bệnh.[22] Dù chỉ có khoảng 1 trên 4.000 người dễ mắc chứng động kinh này, số nạn nhân của "Dennō Senshi Porigon" là chưa từng thấy trong lịch sử.[13]

Cả Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ và các cơ quan tương tự của một số nước châu Âu đều nhận thức được những nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc trực tiếp với cảnh phim sử dụng đèn chớp nhấp nháy liên tục như vậy, và đã sớm ban ra những lệnh cấm cũng như tự kiểm duyệt những chương trình có màu sắc thay đổi với tần suất cao trong những năm trước đó.[23][24] Từ năm 1994, người Anh yêu cầu các tin quảng cáo và chương trình truyền hình nước họ hạn chế sử dụng những hình ảnh chớp nháy quá 3 lần/giây, sau vụ một quảng cáo mì sợi gây ra các cơn co giật bởi cùng nguyên do. Bản thân công ty Nintendo, hãng sản xuất ra dòng trò chơi được chuyển thể thành anime Pokémon, cũng từng nhận phản ánh từ một số khách hàng trẻ tuổi đã lên cơn co giật sau khi chơi game trên các dòng máy của họ. Công ty phải dán thêm những nhãn cảnh báo trên các phần mềm của mình, trong đó tuyên bố rằng đồ họa và hình ảnh động trong trò chơi có thể gây ra shigeki—chỉ sự kích thích mạnh có thể dẫn đến bất tỉnh hoặc co giật.[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dennō Senshi Porigon http://www.bioteach.ubc.ca/TeachingResources/Gener... http://www.t13.cl/noticia/tendencias/espectaculos/... http://www.absoluteanime.com/pokemon/porygon.htm http://chronicle.augusta.com/stories/010198/fea_ca... http://articles.chicagotribune.com/2004-10-27/feat... http://edition.cnn.com/WORLD/9712/17/japan.cartoon... http://edition.cnn.com/WORLD/9712/17/video.seizure... http://www.elintransigente.com/mundo/insolitas/201... http://abcnews.go.com/sections/world/DailyNews/ani... //books.google.com/books?id=U7hthImoc5AC